CẢM NHẬN VỀ BÁCH KHOA CỦA NỮ SINH XUẤT SẮC NGÀNH VẬT LIỆU

CẢM NHẬN VỀ BÁCH KHOA CỦA NỮ SINH XUẤT SẮC NGÀNH VẬT LIỆU

Nguyễn Thủy Hương là sinh viên học chương trình Elitech của Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu nay thuộc Trường Vật liệu – Đại học Bách Khoa Hà Nội với thành tích đáng nể:

– Tốt nghiệp loại giỏi sớm 01 học kỳ;

– 02 lần nhận học bổng của Tập đoàn Posco;

– 04 lần nhận học bổng của ĐHBK Hà Nội;

– Học bổng thực tập tại trường Mines Nancy – Pháp 05 tháng;

– Học bổng thạc sỹ theo chương trình kỹ thuật vật liệu SUMA ở trường Trento – Ý.

Dưới đây là cảm nhận của Thủy Hương về một Bách Khoa mà bạn ấy đã theo học

 Là nữ sinh Đại học Bách Khoa, mình vừa trải qua 5 năm ở Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu (nay thuộc Trường Vật liệu), có thể nói là xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tất nhiên là quá trình thì không dễ dàng. Phần lớn là bởi vì mình chưa bao giờ là người giỏi toán lý hóa, về phần lý thuyết thì mình nắm khá chắc nhưng khi làm bài thì không áp dụng được nhiều. Hồi đó các cô giáo cấp 3 đều bảo là mình không học được ở Bách Khoa đâu, do lần nào thi thử toán và lý cũng chỉ đc có 5-6 điểm. Mình không cổ xúy việc tự quyết định và không lắng nghe ý kiến của ai hết, nhưng mắc sai lầm thì dễ dàng giải quyết hơn là hối hận. Nên là mình đăng ký Bách Khoa thôi.

Nhưng tại sao lại là ngành vật liệu? Khi mình mới vào trường thì ai gặp mình cũng hỏi thế. Và mình xin phép trích một câu được in trong một quyển sách giáo trình của mình ở đây “Because without materials, there is no engineering.” Có thể hiểu là một phát kiến nhỏ trong vật liệu cũng có thể dẫn đến những đột phá lớn ở trong những ngành khác, cũng không phải tự nhiên mà ngành luyện kim lại là một trong những ngành đầu tiên ở Bách Khoa. Mình cho rằng cho dù các ngành mới nghe có hay hơn, thu hút nhiều sinh viên hơn, thì phát triển vật liệu vẫn là cốt lõi của phát triển công nghiệp.

Năm đầu tiên thì rất lạ lẫm, nhiều lần mình lạc trong trường và tất cả các thủ tục làm mình vô cùng đau đầu, cộng thêm việc chưa có kinh nghiệm sắp xếp các môn học cho hợp lý. Cũng một phần vì không quen ai nên không có người hướng dẫn, cứ như nhắm mắt mà đi qua đường vậy thôi. May mắn là sau đó mình học chung lớp với các anh chị, được giúp đỡ về rất nhiều mặt. Mình học vật liệu như cá gặp nước, mọi việc nói chung là suôn sẻ. Đương nhiên là cũng có những môn mình được D, như là giải tích 1 và triết, và mình chấp nhận bởi vì mình đã học rất chăm chỉ nhưng khả năng mình chỉ đến thế. Mình biết tự lượng sức mình và biết cách tìm sự giúp đỡ khi cần, hai yếu tố khá quan trọng trong quá trình học tập theo ý kiến của mình. Các thầy cô luôn sẵn sàng giúp đỡ mình, và mình rất vui vì điều đó, nếu không có thầy cô thì mình sẽ học một cách thật lan man và chật vật.

Còn có rất nhiều bạn sắp và đang học vật liệu hỏi mình là học ngành này sau này ra trường thì làm được việc gì. Bản thân mình thời điểm đăng ký ngành cũng chưa biết được công việc tương lai, bố mẹ mình đều là người làm kinh tế nên không thể chỉ đường dẫn lối được. Thậm chí mình còn không đặc biệt thông minh hay nhanh nhạy, mình chỉ là một con gà công nghiệp có đam mê với sách vở. Mình đi bước nào hay bước ấy, và trong lúc mình vẫn còn thích ngành này thì mình sẽ tiếp tục học và nghiên cứu về nó.

May mắn là nhờ niềm yêu thích như vậy mà mình đã có định hướng học lên tiếp từ khá sớm nên mình đầu tư vào việc học, lại có sẵn nền tiếng Anh nên khởi đầu cũng thuận lợi. Trong quá trình học tập thì mình tự học thêm những gì mình thích, học thêm ngôn ngữ mới, vì không có áp lực điểm số nên quá trình học chậm hơn nhưng đồng thời cũng thoải mái hơn. Mình tìm kiếm học bổng trên mạng theo ngành và vùng bởi vì tiêu chí của mình là sống ở nơi yên bình, dễ chịu thì học tập sẽ tốt hơn là ở các trường có thứ hạng cao ở các thành phố lớn. Mình dành hẳn ra 2 tháng để chuẩn bị hồ sơ và xem đi xem lại để chắc rằng không có lỗi sai, chuẩn bị không bao giờ là thừa. Tóm lại là, mình thấy rằng hai điều quan trọng để đi du học là định hướng sớm, để chuẩn bị hồ sơ cho phù hợp, và ngoại ngữ, để có thể giao tiếp và làm việc. Và theo mình, đi du học là để trải nghiệm, để mở rộng kiến thức, để khám phá ra tiềm năng của bản thân và được làm những gì mình thích. Chứ đặt nặng việc phải định cư hay phải kiếm được việc làm lương cao là không cần thiết.

Cuối cùng thì mình đúc kết được rằng học ở Bách Khoa vất vả là đúng. Đặc biệt còn rất dễ bị hói đầu. Nhưng mình hài lòng với quá trình và kết quả mà mình đạt được. Mình không thể giúp mọi người định hướng cuộc đời hay là đưa ra cách học đúng đắn giúp mọi người được điểm cao và đạt học bổng hay bất kỳ thành tựu nào. Nhưng mà hãy học, không hiểu thì hãy hỏi.

Những con đường ta đi quá dễ dàng đều là đường xuống dốc. Khi nào mà mình thấy cuộc đời mình sao mà khó khăn quá, có thể là nó chỉ đang đi lên mà thôi “. 

SInh viên Học bổng Biểu mẫu
Student Scholarship Form